Thông tin hoạt động 01/07/2011

20 năm, lớp học sân chùa

“Ai hỏi cháu: Cháu học trường nào đấy?, bé nào ngoan và múa hát thật hay, cô là mẹ và các cháu là con, trường của cháu đây là trường mầm non… chùa Lộc Thọ!”

 

Không chỉ dạy chữ, dạy làm người, các cô còn chăm sóc

cho các em những bữa ăn, từng giấc ngủ.

Đó là bài hát mà 130 em nhỏ từ mẫu giáo đến lớp 5 đang theo học tại các lớp học tình thương chùa Lộc Thọ (thôn Vĩnh Hội, xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang) thuộc nằm lòng. Vừa vào đến khu lớp học, đã nghe các em bắt giọng hát vang vang…

Dưới cội từ bi

Nếu không được biết trước, người ta sẽ nghĩ đó là một trường nội trú dành cho bậc tiểu học thuộc hệ thống giáo dục chính quy. Phòng ốc tinh tươm, học trò mặc đồng phục và có cả sân chơi. Sau giờ học buổi sáng, các em được ăn cơm trưa tại chùa, được chơi đùa, nghỉ ngơi để bắt đầu giờ học buổi chiều.

Ni sư Thích Nữ Diệu Ý, trụ trì chùa Lộc Thọ kể rằng bà xuất gia từ năm 14 tuổi và đi tu học khắp nơi. Đến khi gia đình muốn bà về gìn giữ nhà từ đường, bà thưa rằng mình là người xuất gia, không thể giữ nhà làm của riêng, nếu gia tộc đồng ý, bà xin phép được cất chùa. Về lại quê hương, thấy nhiều gia đình vì quá cơ cực mà không quan tâm đến việc giáo dục con cái, ni sư bèn cất lên một mái nhà tranh trong khuôn viên chùa, đóng mười chiếc ghế nhỏ và tự mình đi vận động những gia đình nghèo cho con đi học chữ. Cô giáo đầu tiên của lớp học tình thương chùa Lộc Thọ chính là sư trưởng Diệu Ý bây giờ!

Ban đầu, học trò của ni sư là trẻ em nghèo trong xóm, dần dần còn có cả những đứa trẻ bị bỏ rơi. Có em sinh ra ngoài ý muốn, người ta mang con bỏ trước sân chùa, mong chờ vào lòng từ bi của Phật. Có em mồ côi, không cha, không mẹ, nhưng cũng có những gia đình vì quá khó khăn nên mang con gửi vào nhà chùa, mong sao ở nơi ấy những đứa con mình sẽ học được con chữ, học được những lẽ sống có ích cho đời.

Chỉ bằng cách người đi trước dạy người đi sau, người biết chữ dạy cho người chưa biết mà gần 20 năm qua, từ lớp học tình thương ấy rất nhiều em học sinh đã được gửi ra trường lớn để học lên những bậc cao hơn. Vị sư già ánh mắt tràn đầy hạnh phúc khi nhắc đến những đứa học trò mà mình dìu dắt đã và đang học đến bậc đại học, có em đã thành gia lập thất, có em còn đi học ở nước ngoài. 80 tuổi, bà hiện có một đàn con nhỏ đến 130 đứa, trong đó có 30 em không biết mặt cha mẹ, được nhà chùa nuôi dưỡng.

Cô là mẹ…

Bất chợt nhìn thấy em Vĩnh Thọ ôm chầm lấy cô giáo Phạm Thị Chinh rồi nũng nịu vùi mái đầu ba chỏm tóc vào lòng cô đòi cô đùa nghịch với mình, chúng tôi hiểu, đó là khi em cần tình thương, cần sự chở che của một người mẹ. Bị cha mẹ bỏ rơi từ khi còn nhỏ xíu, Vĩnh Thọ và nhiều em khác lớn lên trong mái chùa mà chưa một lần biết mặt mẹ cha… Vậy nên, khi đã đến và gắn bó với nơi này, ai cũng mang theo một trái tim của người mẹ, người chị: cố rèn cho các em từng con chữ, cố tập cho các em có những sinh hoạt thật nề nếp, biết “dạ thưa”, chịu khó chơi đùa cùng các em, dỗ dành và chăm sóc những em bị ốm.

Gần 20 năm trôi qua, bao lớp học sinh đã trưởng thành, cũng không nhớ hết đã có bao nhiêu cô giáo đến gắn bó với nơi này. Có cô đã và đang là giáo viên đứng lớp tại các trường thuộc hệ thống Nhà nước, có cô đang là sinh viên, cũng có cô chưa từng biết qua nghiệp vụ sư phạm nhưng ai cũng dành cho các em những tình cảm thật đặc biệt. Không chỉ dạy chữ, dạy làm người, các cô còn thắp lên cho các em nhỏ những ước mơ. Nhận khoản thù lao tượng trưng rất nhỏ từ nhà chùa, các cô dành gần trọn thời gian của một ngày cho việc dạy học và chăm sóc các em. Chỉ khi 130 đứa trẻ đã ăn cơm, đã đi vào giấc ngủ thì lúc đó các cô giáo bắt đầu bữa cơm trưa. Cũng chay tịnh, đạm bạc như những đứa học trò của mình, rồi mới ngả lưng cùng với trẻ. Chỉ khi nào các em được cha mẹ đón về, các cô mới trở về với tổ ấm của mình. Chính những hy sinh và yêu thương ấy đã phần nào vun đắp và nuôi dưỡng cho những tâm hồn nhạy cảm của những đứa trẻ kém may mắn được bù đắp và lớn lên…

Bài và ảnh: Bích Uyên

images Trang trước images Đầu trang images In trang
Các tin khác