Thông tin hoạt động 30/06/2011

Người thầy không đứng lớp

Chúng tôi vượt một đoạn đường khá dài, đầy nắng bụi mới tìm được Chùa xóm Chàm ở ấp Chăm, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, Tây Ninh. Tưởng đó đã là một hành trình vất vả nhưng đến nơi, chứng kiến chỉ mười bước chân của thầy đi lại trên chiếc bàn học sinh, tôi đã nhận ra, đó mới thật sự là một hành trình...

 

Thầy Chàm To Hiết ngồi trên bàn dạy chữ Chăm. Ảnh: Thanh Hà

Và hành trình gian nan đó chở trên mình là sứ mệnh cao cả: gieo chữ Chăm, giữ lấy văn hoá Chăm.

Giữ lấy chữ Chăm

Thầy Chàm To Hiết từ nhỏ theo cha mẹ sống ở Campuchia, vùng ven biên giới Việt Nam. Thầy bị bệnh teo chân từ nhỏ, sống với đôi chân tật nguyền đã hơn 40 năm nay. Chiếc xe lăn trở thành người bạn đồng hành, thay đôi chân đưa thầy đi khắp nơi. Và nó cũng đồng hành cùng thầy trong lần tìm về Chùa xóm Chàm thăm người thân mười tám năm trước. “Khi đến đây, điều làm mình trăn trở nhất là các em nhỏ người Chăm hoàn toàn không biết chữ Chăm. Từ nhỏ, mình đã được học, cái chữ dẫn đến văn hoá, văn hoá dẫn đến công bằng và giàu có. Mà các em không biết chữ thì làm sao lưu giữ văn hoá của người xưa để lại” – thầy chia sẻ. Suy nghĩ mãi, cuối cùng thầy đi đến quyết định mà lúc đó ai cũng cho là táo bạo, đó là ở lại dạy chữ Chăm cho các em.

Không nhà cửa, không một đồng dính túi mà biết bao thứ cần phải mua cho dự định mở lớp. “Thôi thì mình nhắm mắt đi xin, đi vận động từng nhà, vậy mà lớp học cũng ra đời với mấy chục em học sinh, mình vui mừng lắm”, thầy Hiết xúc động nhớ lại. Không nhà cửa, không gia đình thì thầy vào chùa ở. Không trình độ sư phạm thì tự mày mò. Không tiền lương thì sau giờ dạy thầy đi câu cá, trồng rau. Đôi chân tật nguyền và chiếc xe lăn khiến thầy không thể đứng dạy hay cầm tay chỉ bài từng em một. Vậy là thầy nhờ học sinh khiêng bàn lên bục giảng, rồi lấy bàn thay đôi chân, thầy đi qua đi lại trên bàn viết và giảng bài cho các em. Những hôm đầu tiên do phải di chuyển quá nhiều, chân thầy đau và sưng tấy. Có những hôm chân bị xóc dằm trên bàn, buốt tới ngày hôm sau chưa hết nhưng đến giờ dạy là thầy lại đều đều những vòng xe lăn vào lớp. Thầy bắt đầu gieo chữ bằng những gian nan, thầm lặng nhưng đầy niềm tin như thế.

Không bỏ lớp

Có người phụ nữ xinh đẹp và lành lặn đã để ý, yêu nghị lực của người thầy khuyết tật. Một năm sau ngày thầy mở lớp, chị cưới thầy Hiết về theo đúng phong tục của người Chăm. Từ đó, thầy và chiếc xe lăn đã không còn đơn độc, Tuy nhiên, vẫn còn đó một hành trình dài, luôn gập ghềnh vì lũ học trò nhỏ ngày càng thờ ơ với chữ Chăm. Các em nói chỉ muốn học chữ Kinh, vì biết chữ Kinh mới đi làm ăn xa được.

Trường thầy dạy chỉ cách nhà mấy chục bước chân, và cách nhà các em học sinh cũng chừng đó bước, nhưng lớp cứ vắng dần. Những năm đầu mới thành lập, một mình thầy dạy hơn 300 em, phải chia làm nhiều ca trong ngày. Nhưng bây giờ lớp chỉ còn vài chục em. Có những ngày mưa, lớp học chỉ lèo tèo vài đứa. Nhưng thầy vẫn kiên quyết: “Các em có thể không đi học, nhưng mình thì không thể bỏ lớp, vì bỏ là mất lớp”. Và người thầy khuyết tật chiều chiều lại lặn lội khắp xóm vận động các em đến trường. Lớp học những ngày sau vẫn đông vắng thất thường, vài chiếc bàn đã phải gác lên, bụi phủ đầy.

Bên cạnh những trăn trở lớn lao như giữ lấy cái chữ, giữ lấy văn hoá Chăm, những điều rất đời thường cũng không ít lần khiến thầy trăn trở, như hộp phấn ngày mai hết không có tiền mua, thương đứa học trò đi chân đất đến lớp nhưng không thể tặng được cho em đôi dép. Mười tám năm lặng lẽ đưa đò, vui thầy chia sẻ, buồn thì giấu kín vào lòng...

Thanh Hà

images Trang trước images Đầu trang images In trang
Các tin khác