Thông tin hoạt động 23/03/2011

Nhật ký từ những sẻ chia cùng thầy cô

Những ngôi nhà ấm áp

 

Niềm vui đang trở lại với thầy giáo Trần Huy Thông và cô Nguyễn Thị Hoài Thương.

 

Đầu tháng 11.2010, ông Thái Cẩm Châu, người giới thiệu thầy Đỗ Thành Nu (Người thầy đang tập viết, SGTT 2.8.2010) cho chương trình, gọi điện báo tin thầy Nu sắp có nhà mới. Hỏi ra mới biết, công ty sơn Tisson ở Bình Dương biết đến thầy sau khi xem chương trình đã đến thăm và giúp thầy xây dựng một căn nhà khang trang. Đón nhận nhà mới ngay trong ngày 20.11, người thầy ấy đã không kiềm được nước mắt. Với số tiền nhiều người hỗ trợ, thầy trở lại TP.HCM để làm vật lý trị liệu. Bây giờ thì thầy Nu đã có thể bước những bước chậm, đã có thể dùng tay trái để viết chữ. Thầy bảo rằng, thầy sẽ trở lại trường, xin làm việc ở văn phòng để được đi hết nghiệp trồng người, được thấy học trò mỗi ngày.

Chỉ vài tháng trước, đến thăm khi biết tin thầy bị tai nạn giao thông, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Căn nhà cũ nát, người vợ ung thư, mẹ già đau yếu, đứa con trai mới học lớp 6 và con gái đi học xa; thầy thì chẳng thể tự bước đi được nữa. Gánh nặng gia đình từ trước đến giờ vốn một vai thầy gánh vác, nay không thể cầm bút viết chữ và không thể trở lại trường thì còn thiết tha gì sự sống! Sự khát khao trở lại trường đã tiếp thêm cho thầy nghị lực, nhưng nước mắt lại rơi khi thầy không thể bắt bàn tay trái tập viết. Bây giờ nụ cười đã trở lại trên gương mặt đầy ẩn ức, bi quan ngày nào…

Một gian nhà cũng vừa xây xong trước tết. Cô Rảnh (Cả nhà nặng nỗi lo toan…, SGTT 17.1.2011) tíu tít nói cười khi đưa chúng tôi đi thăm căn nhà đang xây của mình. Hãy còn trống trải và chưa có những đồ dùng thiết yếu, nhưng từ nay cô đã có thể yên tâm vì đã có một nơi vững chắc để cả gia đình quây quần. Những chuyến điều trị dài ngày ở TP.HCM, cô sẽ bớt lo khi phải để con gái đang tuổi lớn một mình ở lại nhà. Nhớ lần đầu tiên chúng tôi đến thăm, cô vừa trở về sau đợt điều trị ung thư tại TP.HCM. Nhìn cô gầy gò, đơn độc ngồi ăn cơm – một bữa cơm đạm bạc trong ngôi nhà trống trước trống sau mà xót xa. Mấy mươi năm đi dạy, gia tài của cô chỉ là mái nhà nát cùng món nợ vay trị bệnh không biết ngày nào trả nổi. Gửi câu chuyện này đến bạn đọc và khán giả xem đài, sự đồng cảm đã đến nhanh hơn mong đợi. Chúng tôi đã đưa cụ ông Nguyễn Viết Ngộ từ TP.HCM đến thăm cô ngay khi chương trình vừa phát sóng. 90 tuổi, là công chức về hưu, cụ Ngộ giúp cô Rảnh xây lại nhà với số tiền 30 triệu đồng trích từ tiền phúng điếu người vợ vừa qua đời của mình. Càng xúc động hơn khi biết cụ bà cũng là cựu giáo chức, con gái của cụ đang giảng dạy tại đại học Y dược TP.HCM.

 

Bé Thanh Nhàn giờ đã đi học, tập viết.

 

Chứng kiến cô Rảnh, thầy Nu sửa soạn đón xuân trong ngôi nhà mới từ sự sẻ chia, thật vui vì biết chương trình đã mang lại thay đổi tích cực về đời sống và tinh thần cho những người thầy vốn quá nhiều lận đận. Thực hiện bài viết này cũng là khi chúng tôi nhận được tin có một doanh nghiệp chuẩn bị xây lại nhà cho thầy Đào Văn Nhì (Người thầy lận đận, SGTT Online tháng 2.2011). Và chúng tôi biết rằng đã có nhiều, rất nhiều ngôi nhà mới được xây lên bằng sự sẻ chia âm thầm như thế.

Cho cây đời mãi xanh

Nhật ký Tiếp sức người thầy cứ thế, tiếp tục ghi thêm những câu chuyện xúc động về sự sẻ chia, đón nhận nhiều tin rất vui từ những người thầy mà chương trình từng tiếp sức. Bây giờ thì thiên thần bé nhỏ Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Hành trình giành sự sống cho con, SGTT 21.6.2010) đã vượt qua giai đoạn hiểm nghèo của bệnh ung thư. Mẹ Nhiễm và ba Thông đã có thể cho Nhàn theo vào lớp để học như các bạn. Cái khó, nỗi lo vẫn còn nhưng bây giờ cô Trương Thị Nhiễm và thầy Nguyễn Văn Thông đã có thể tạm quên để vui vì con gái mình khoẻ lại, đã có thể yên tâm đi dạy. Cùng với niềm vui đó, thầy giáo Trần Huy Thông (Tận cùng nỗi đau, SGTT 8.3.2010) gọi điện báo tin người vợ thương tật của mình đã mang thai. Đứa con được sinh ra sẽ là niềm vui cho gia đình và còn là hy vọng duy nhất để điều trị chứng máu trắng cho bé Huy Bách…

Gần hai năm thực hiện chương trình Tiếp sức người thầy, suốt hai năm giữ liên lạc với các thầy cô, chúng tôi chưa ngày nào không nhận được những cuộc điện thoại từ các thầy cô. Được các nhà giáo tin tưởng, gửi trao tâm sự, chia sẻ vui buồn, chúng tôi xem đó là thành công khi thực hiện chương trình. Và nhật ký chương trình mong muốn được ghi thêm những trang mới đầy nghĩa tình như thế trong hành trình tiếp sức của mình.

BÀI VÀ ẢNH: BÍCH UYÊN

Ngân hàng Đông Á đồng hành cùng chương trình Tiếp sức người thầy.

Mời quý khán giả đón xem những thước phim ghi lại những chuyến trở về thăm các thầy cô giáo trong chương trình Tiếp sức người thầy. Phim sẽ được phát sóng lúc 21 giờ 40 phút, thứ ba ngày 22.3. Rất mong tiếp tục nhận được sự đóng góp, sẻ chia của bạn đọc, bạn xem đài để chương trình có thể nối dài thêm những san sẻ với các thầy cô. Mọi đóng góp, xin gửi về: báo Sài Gòn Tiếp Thị, 25 Ngô Thời Nhiệm, P.6, Q.3, TP.HCM, ĐT: 08.39307825, email: tiepsucnguoithay@sgtt.com.vn hoặc gởi vào tài khoản: quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục – EDF, số tài khoản: 001234230001 (VND) hoặc 001234230002 (USD) tại ngân hàng Đông Á – chi nhánh Đinh Tiên Hoàng, TP.HCM.

images Trang trước images Đầu trang images In trang
Các tin khác