Thông tin hoạt động 01/07/2011

Người mẹ và đàn con khiếm khuyết

Câu chuyện về sự gắn bó của cô Trần Thị Mỹ Dung với trẻ bắt đầu từ năm 1988, khi cô đến thăm các em tại trường chuyên biệt Tương Lai (quận 5). Những đứa trẻ thiệt thòi ở đây khiến cô chạnh lòng và quyết định gắn bó. Dù rằng lúc đó hành trang bước vào nghề của cô chỉ là tình yêu thương...

 

Cô Mỹ Dung bên học trò trường chuyên biệt Tương Lai, quận 5, TP.HCM.

Thấm thoát hơn 22 năm, công việc này đã mang đến không biết bao giọt nước mắt trong những lần cô bất lực nhìn các em tự cào cấu bản thân mình rướm máu. Nhưng, nó cũng cho cô được sống trọn vẹn với lòng yêu nghề, cho cô thêm một mái nhà, thêm những đứa con, dù… chúng còn ngô nghê lắm, khiến cô vất vả nhiều.

Gieo tình yêu vào tâm hồn

Trong một phòng học nhỏ ở tầng ba của trường Tương Lai, cô Dung đang dạy cho học trò phép cộng trừ. Lớp học chỉ có mười mấy em, nhưng cô thì phải tất bật cả ngày. Cứ thi thoảng đang học chữ, có em lơ ngơ, có em bỏ giấy bút ngồi bệt xuống đất, em thì chạy lung tung khắp phòng. Cô phải dỗ dành mãi các em mới ngoan ngoãn quay về chỗ. Với mỗi trẻ, cô Dung có nhiều cách, như làm cùng để chúng cảm thấy cô cũng hoà vào thế giới của mình, an tâm đón nhận sự hướng dẫn của cô. Không chỉ dạy các em học chữ, làm toán… cô còn kiêm luôn cả việc cho ăn, vệ sinh, tắm táp và tổ chức những hoạt động ngoài giờ như đi nhà sách, đi công viên để các em hiểu biết và gắn bó với cuộc sống. Lúc nào cũng phải dõi mắt theo từng em, chăm sóc cho các em từng tí một nên dường như cô chẳng có giây phút thật sự nghỉ ngơi.

Cô tâm sự, hai mươi hai năm gắn bó với nghề cô trải qua nhiều tâm trạng, nhiều cung bậc cảm xúc. Có nhiều lúc mệt mỏi rã rời, cô tưởng đã phải bỏ cuộc. Nhưng những kỷ niệm đặc biệt về tình thương đã kéo cô lại. Cô kể lại: “Hôm đó tôi đang lúi cúi dọn đồ chơi cho các em, thì tự dưng có em học sinh đấm vào lưng tôi một cái rất mạnh làm tôi ngã người xuống nền nhà. Cố nén cơn đau, tôi nắm tay em hỏi sao lại đánh cô, em trả lời mà tôi rớt nước mắt: vì con thương cô”. Sau đó cô dạy em rằng nếu thương thì phải ôm vào lòng, phải nói thật nhẹ nhàng đừng làm người mình thương đau. Sau bao nỗ lực yêu thương và tìm hiểu trẻ khuyết tật, giờ đây cô đã dạy các em biết viết chữ, biết cười, nhiều em biết biểu lộ cảm xúc và vui nhất là luôn gọi cô trìu mến là “Mẹ”.

Và những niềm riêng

Suốt thời gian gắn bó với trẻ tự kỷ, không lúc nào cô nguôi trăn trở vì câu chuyện của những đứa học trò nhỏ kém may mắn này. Dù mỗi ngày cô phải dậy sớm để có mặt ở trường lúc 6 giờ 30, bắt đầu công việc từ lúc đó cho đến 6 giờ tối, cô vẫn dành thêm thời gian để chăm sóc trẻ tự kỷ tại nhà. Không cần phân công, cứ nghe ở đâu mở các khoá học hướng dẫn dạy trẻ khuyết tật, tự kỷ là cô đăng ký học ngay. Trường Sư phạm mở lớp đầu tiên về ngành Tật học, cô lập tức gửi đứa con nhỏ để cắp sách đến trường. Suốt tuần ở trường, ngày nghỉ phải tranh thủ đi học, ba tháng hè cũng không được nghỉ. Cô Dung cứ miệt mài như thế suốt bốn năm.

Và rồi gia đình riêng của cô tan vỡ, cuộc sống trong ngôi nhà nhỏ ngập tiếng cười ngày nào giờ chỉ còn lại cô, mẹ già và hai đứa con gái. Cô phải một mình nuôi con hơn tám năm nay. Nhưng khi chúng tôi hỏi: “Nếu có cơ hội làm lại, cô có chọn cho mình con đường khác ít chông gai hơn?”, cô trả lời không chút đắn đo: “Nếu được chọn lại, tôi vẫn đến với các em, vì mẹ và các con vẫn hiểu và ở bên tôi đấy thôi”. Người giáo viên chăm sóc cho trẻ khiếm khuyết, khi trở về nhà lặng lẽ với mảnh khuyết riêng trong tâm hồn mình. Có lẽ ít ai biết, cô Dung gắn bó mấy chục năm với nghiệp “gõ đầu trẻ”, là sống với đồng lương ít ỏi, vừa lo chuyện nhà vừa lo chuyện trường, để mang đến cho những học trò bất hạnh sự hiểu biết, niềm tin và cách sống.

Thanh Hà

images Trang trước images Đầu trang images In trang
Các tin khác