Người thầy có tài kể chuyện

 

Giờ dạy môn giáo dục công dân của thầy Tuấn Anh bắt đầu với câu chuyện bằng hình ảnh. Ảnh: Tiến Vinh

 Những tấm ảnh lần lượt được thầy dán lên bảng theo lời kể, kèm theo đó là tiếng nhạc đệm. Lớp học trở nên yên ắng, học sinh chăm chú theo dõi, không khí lắng xuống. Và giờ học giáo dục công dân của thầy Trần Tuấn Anh, giáo viên trường trung học cơ sở Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) bắt đầu như thế.

Sức mạnh của câu chuyện bằng hình

Lớn lên trong một gia đình lao động bình thường, ba bán vé số, mẹ bán hàng nước nhỏ bên đường, câu chuyện tuổi thơ của thầy Tuấn Anh cũng không thiếu những khó nhọc. Khi đi dạy, thầy không ngại “đầu tư” thời gian và tiền bạc cho giờ dạy thêm sinh động. “Tôi bắt đầu sưu tập những câu chuyện và tranh ảnh từ ngày còn là sinh viên. Hiện nay tôi đã có hơn 800 tấm ảnh và khoảng 200 câu chuyện. Đó là cả “gia tài nhà giáo”. Ngày ấy, tôi thường tự chụp hoặc sưu tầm trên mạng vì niềm yêu thích và mong muốn chia sẻ nó cho những người thân”. Mang tranh ảnh lên lớp học cũng với mong muốn chia sẻ đó, nhưng thầy Tuấn Anh tự nhận: “Tôi đã đạt được hơn điều mình mong muốn rất nhiều”.

Sau những câu chuyện bằng hình ảnh thầy kể, nhiều em học sinh đã xúc động khóc rồi kể lại cho bạn bè, ba mẹ nghe. Nhiều bạn nghèo từ những câu chuyện của thầy đã vượt qua nỗi mặc cảm. Nhiều em đã biết yêu thương, chia sẻ với người kém may mắn. Tự nhận thức, dũng cảm nhận khuyết điểm và sửa sai là một điều vô cùng khó đối với mỗi con người, vậy mà câu chuyện thầy kể đã giúp các em học sinh làm được điều khó khăn đó. Đó là hôm người thầy trẻ kể về một người phụ nữ bán mì gõ, phải thức khuya dậy sớm, dầm mưa dãi nắng cả ngày. Nhưng hôm ấy, chị bị một nhóm thanh niên lừa bằng tờ một trăm ngàn giả. Thế là công sức cả ngày không có tiền lời, bữa cơm của mẹ con chị vốn đã đạm bạc nay lại thêm phần thiếu thốn. Thật bất ngờ sau buổi học, có một bạn đã đến khóc xin lỗi thầy và nhờ thầy trả lại chiếc máy tính bạn đã lỡ lấy của bạn mình. “Từ đó, mình bắt đầu nhận ra sức mạnh của câu chuyện từ cuộc sống, và mình đầu tư nhiều hơn vào tranh ảnh với những mong muốn cao hơn”, thầy Tuấn Anh chia sẻ.

Tìm tòi phương pháp giảng dạy

Đã có được những giờ học xúc động, nhưng thầy kiên quyết không để giáo án của mình cũ. Mỗi ngày đến lớp, thầy mang theo chiếc cặp lỉnh kỉnh những vật dụng: nào tranh ảnh, máy nghe nhạc, nào máy ảnh, đôi lúc là cả bánh kẹo, sách truyện... Vì sau những giờ dạy, ngoài việc luôn cập nhật thông tin mới từ báo đài, thầy thường đi chụp ảnh và tìm thêm tư liệu cho bài giảng. Mái ấm Ánh Sáng (quận 3) cũng là nơi thầy thường lui tới, chia cho các em quà bánh, xem qua bài vở và trò chuyện với các em. Do luôn bám sát nhịp sống nên những câu chuyện của thầy luôn luôn được làm mới. Mỗi câu chuyện hình ảnh đã được kể sẽ được thầy khắc sâu hơn ở lần sau. Mỗi bài giảng đã được bổ sung những câu chuyện mới, “nóng hổi” và xúc động hơn.

Đặc biệt, thầy Tuấn Anh đang ấp ủ phương pháp dạy học mới, đó là dùng “người thật việc thật”. Và thầy cũng đã triển khai dần cách dạy học đó. Điển hình như việc mời bác sĩ Nguyễn Vũ Xuân Trường, một tấm gương về ý chí và sự quyết tâm học tập đến lớp giao lưu với các em. Thầy cũng tổ chức cho học sinh thăm và chăm sóc trẻ mồ côi, khuyết tật trong những giờ ngoại khoá. Đặc biệt, dù rất mất thời gian, công sức nhưng thầy đang kiên trì sưu tập những đoạn phim có cả âm thanh, hình ảnh, cảm xúc nhân vật để câu chuyện chân thực và thuyết phục nhất. Bằng tâm huyết với nghề và tinh thần luôn tìm tòi, sáng tạo, thầy Tuấn Anh đã biến giờ học thành lúc nghe kể chuyện, từ trang sách đi vào hình ảnh, đi vào tâm hồn và nuôi dưỡng trái tim các em.

BÀI: THANH HÀ, ẢNH: TIẾN VINH

Ngân hàng Đông Á đồng hành cùng chương trình Tiếp sức người thầy.

Câu chuyện về tấm lòng với nghề nghiệp, về phương pháp dạy qua kể chuyện bằng hình ảnh của thầy Trần Tuấn Anh sẽ được gửi đến quý khán giả trong chương trình Tiếp sức người thầy, phát sóng vào lúc 21 giờ 40 phút, thứ ba 15.2.2011 trên kênh HTV9. Để xem lại phim này, mời truy cập vào website: sgtt.com.vn/sgtt phim sau ngày 15.2.

Mọi đóng góp cho chương trình xin gửi về: báo SGTT, 25 Ngô Thời Nhiệm, P.6, Q.3, TP.HCM, ĐT: 39307825, email: tiepsucnguoithay@sgtt.com.vn hoặc gửi vào tài khoản của chương trình: quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục – EDF, số tài khoản: 001234230001 (VND) hoặc 001234230002 (USD) tại ngân hàng Đông Á – chi nhánh quận 3.

 

Bản quyền © 2011 Ngân Hàng Đông Á | Email: 1900545464@dongabank.com.vn
130 Phan Đăng Lưu, P.3, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM - Tel: (848) 39951483 - Fax: (848) 39951614 - Swift Code: EACBVNVX