Ánh sáng từ ước mơ nối nghiệp mẹ

Trời về trưa, chợ càng lúc càng vắng. Những chiếc xe máy xộc xệch chạy qua mang theo đám bụi đỏ mù. Cô đưa tay lên che mắt, đôi mắt vốn đã từ lâu chẳng giúp được gì cho chủ nhân nó trong việc bán buôn. Một chút nữa thôi, khi xấp vé số trên tay con gái cô vơi đi, nó sẽ quay về giúp cô dọn hàng… Hôm nay là một ngày ế ẩm và chân cô thì nhức mỏi lắm rồi! 

Một mẹ, một con, hai mẹ con cô Nga dựa vào nhau mà sống.

 Chạm vào nỗi đau

Hơn mười năm trôi qua, người ta đã quen lắm với cảnh hai mẹ con người phụ nữ mù sống trong một căn nhà ọp ẹp nơi cuối xóm, mỗi cuối tuần lại đẩy chiếc xe chở hàng con con ra chợ bán. Chỉ là đôi ba cái bàn chải, vài bộ nhắc nồi, mấy cây chổi rơm... Ít vốn, ít lời, có hôm mất đồ vì bán nhầm, có hôm phải dọn về mà trong túi rỗng không nhưng cô Nga vẫn kiên nhẫn ngồi giữa chợ trưa để kiếm chút tiền lời, đỡ đần cho con gái. Từ lâu lắm rồi, người ta chỉ gọi cô là “bà mù bán đồ nhắc nồi” và cũng đã quên cô từng là một giáo viên. Từ lâu lắm rồi, người ta gọi con gái cô là “con bé bán vé số” mà không hề biết, con bé ấy cũng sắp trở thành một cô giáo!

Mười một năm trước, người phụ nữ mù loà khi ấy còn là một cô giáo mầm non, sáng chiều vui với đám trẻ nhỏ mà chẳng ngại đường xa, mưa nắng; chẳng ngại những khó khăn, túng thiếu của nhà mình. Ngày ấy, gia đình bốn người của cô sống nhờ cả vào đồng lương giáo viên thời bao cấp của cô, bởi nghề sửa xe đạp của chồng cô thu nhập chẳng là bao. Vậy mà vẫn vui, vẫn đầy ắp tiếng cười. Cho đến một ngày, cô thấy mắt mình cứ mờ dần, bác sĩ bảo cô bị hẹp đáy mắt. Không có tiền điều trị, cô lần lữa chịu đựng, bám lớp bám trường cho đến khi mắt không còn nhìn thấy mặt trời, không còn thấy học trò và hai đứa con nhỏ của mình nữa… Những giọt nước mắt lặng lẽ chảy ra từ đôi mắt mờ đục, chất chứa những đớn đau đời thường của cô giáo nghèo. Cô bảo: “Lúc đó, tôi nhớ trường, nhớ đồng nghiệp, nhớ học trò, ngày nào tôi cũng khóc. Phải mấy năm sau mới nguôi ngoai…”

Câu chuyện về những khó khăn và nghị lực vượt qua nghịch cảnh của hai mẹ con cô giáo Phạm Thị Thu Nga (trị trấn Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) sẽ được giới thiệu đến khán giả chương trình Tiếp sức người thầy vào lúc 21 giờ 40 phút ngày 8.3.2011.

Chúng tôi rất mong nhận được sự chung tay san sẻ của mọi người để cô Nga có thể tôn tạo lại gian nhà cũ nát, để Thái Quyên có thể trả hết số nợ vay đi học và có điều kiện chăm sóc mẹ tốt hơn.

Đóng góp cho chương trình xin gửi về: 
- Báo SGTT, 25 Ngô Thời Nhiệm, P.6, Q.3, TP.HCM. 
ĐT: 39307825.
Email: tiepsucnguoithay@sgtt.com.vn

- Hoặc gửi vào tài khoản: quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục – EDF.
Số tài khoản: 001234230001 (VND) hoặc 001234230002 (USD) tại ngân hàng Đông Á – chi nhánh Đinh Tiên Hoàng, TP.HCM.

Bước qua nghịch cảnh

Chưa đầy mười tuổi, Đàm Thái Quyên đã biết tảo tần bán buôn nuôi mẹ. Cứ học một buổi, Quyên lại nhận vé số đi bán một buổi, lang thang khắp các ngả đường trong cái thị trấn nhỏ nơi em sống. Đến nay, đã sắp bước tiếp câu chuyện nghề dở dang của mẹ, trở thành một cô giáo mầm non, Thái Quyên vẫn đều đặn nhận vé số về bán. Biết làm sao khi cha đã mất đi, khi đồng lương đi làm thuê của anh trai chỉ vừa vặn để anh lo hai bữa cơm nơi xứ lạ quê người? Bán buôn bữa được, bữa không nhưng hình như ai cũng biết cái hoàn cảnh của cô gái nhỏ ấy mà giúp đỡ. Nhờ vậy mà hai mẹ con em có thể sống qua ngày trong suốt những năm qua. Có mắm ăn mắm, có muối ăn muối, hai mẹ con đơn độc, hiu hắt dựa vào nhau. Ngôi nhà cũng vắng dần những tiếng nói cười. Có chăng là những nụ cười rất buồn, rất khẽ. Sự rụt rè, mặc cảm, tủi thân, Quyên cũng khó lòng mà giấu…

Không có đàn ông, ngôi nhà của mẹ con cô giáo Phạm Thị Thu Nga vì thế cũng khó lòng mà vững chải. Bếp núc tạm bợ, vách là tôn, là những tấm xốp dùng để cắt đồ thủ công. Hàng ngày, trước khi đi học, Quyên lại nấu sẵn cơm cho mẹ. Và cô Nga, một mình quẩn quanh bên chiếc giường, thứ tài sản tươm tất nhất của gia đình, được mua bằng tiền trả góp từ việc bán vé số của con gái, dõi đôi mắt mờ đục đợi con về. Không có xe đạp để đi học, mấy năm trời, Quyên phải quá giang bạn bè, đón xe buýt từ Giồng Trôm, vượt gần 30 cây số để đến trường cao đẳng Sư phạm Bến Tre, để rồi mỗi chiều em lại về nhà chăm sóc mẹ, tranh thủ lãnh ít vé số mang ra các quán càphê để bán.

Cứ tưởng cái nghèo cái khó đã quật đi ý chí của cô gái nhỏ nhắn Đàm Thái Quyên, nhưng Quyên vẫn đứng vững. Chọn trở thành cô giáo mầm non, em sắp sửa tiếp nối sự nghiệp trồng người dở dang của mẹ. Đó là niềm vui, niềm tự hào lớn nhất của cô giáo nghèo bất hạnh Phạm Thị Thu Nga. Còn một năm nữa Quyên sẽ ra trường. Rồi em sẽ trả được món nợ đã vay để đi học, rồi em sẽ nấu cho mẹ những bữa cơm ngon, sẽ may cho mẹ những chiếc áo mới và rồi, em sẽ kể cho mẹ nghe những câu chuyện dễ thương về đám trẻ nhỏ nghịch ngợm mà em đã dạy ở trường.

BÀI VÀ ẢNH: BÍCH UYÊN

 

Bản quyền © 2011 Ngân Hàng Đông Á | Email: 1900545464@dongabank.com.vn
130 Phan Đăng Lưu, P.3, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM - Tel: (848) 39951483 - Fax: (848) 39951614 - Swift Code: EACBVNVX