Thông tin hoạt động 08/09/2011

“Trung tâm ngoại ngữ” dưới bóng bồ đề

“Trung tâm” ấy chỉ có một phòng học nhỏ, thế nhưng trong suốt bốn năm qua, đều đặn sáu ngày trong tuần, ngày nào cũng có gần trăm em học sinh tìm đến. Đó là học trò ở các trường cấp 2, cấp 3 tại địa phương.

Tỳ kheo Thích Chơn Hữu và các em học sinh trong lớp học tiếng Anh

Lớp học nhỏ, ý nghĩa lớn

Cô Nguyễn Thị Kim Hương, giáo viên của một trường cao đẳng lớn ở Huế, người đã có hơn hai năm gắn bó với lớp học tiếng Anh ở chùa Định Quang, cho biết: “Phường Thuỷ Phương, thị xã Hương Thủy nằm cách thành phố Huế khoảng 10km và chưa có một trung tâm ngoại ngữ nào được mở ra. Để được học tiếng Anh, người ta phải lên tận thành phố. Vì vậy, khi nhà chùa mở ra lớp học này, học sinh tìm đến mỗi ngày một đông. Không chỉ vì đây là lớp học hoàn toàn miễn phí mà vì đa số các em đều rất hiếu học và hoàn cảnh cũng khó khăn…”

Suốt sáu ngày trong tuần và mỗi ngày từ hai đến ba ca, phòng học có diện tích 40m2 ấy lúc nào cũng chật ních học trò từ lớp 6 đến lớp 10. Có em nhà xa năm, sáu cây số cũng tìm đến lớp. Ba giáo viên nhận lời đến với lớp học này, cũng chỉ nhận từ nhà chùa chút ít thù lao để chi phí cho việc đi lại và gắn bó với các em. Dùng kiến thức của mình trao truyền cho các em là cách mà các cô chọn để chung sức với nhà chùa. Phần thưởng các cô nhận được đó là những khi các em đến lớp khoe rằng bài kiểm tra tiếng Anh của mình ở trường có điểm cao.

Bảng đen, phấn trắng, phòng học khang trang và giáo viên có chuyên môn nghiệp vụ mời từ các trường học ở địa phương về, lớp học tiếng Anh tại chùa Định Quang đã thật sự là một nơi đem đến cho các em nhỏ cơ hội để trau dồi ngoại ngữ, mở rộng hơn cánh cửa vào đời.

Câu chuyện duy trì lớp học

Nói về cái duyên mở lớp học, tỳ kheo Thích Chơn Hữu kể rằng: “Năm 2008, để phục vụ cho việc trau dồi ngoại ngữ của chư tăng và vài phật tử thân tín, nhà chùa có mời một giáo viên về để giảng dạy. Lớp học mở ra, phật tử đến học đông, học trò ở địa phương biết tin cũng đến xin được học. Thấy nhu cầu chính đáng của các em nhỏ, được sự giúp sức của các nhà hảo tâm, nhà chùa xây dựng được hai phòng học và mời thêm giáo viên đến để giảng dạy thường xuyên”.

Nghe qua, nhiều người sẽ nghĩ rằng đây phải là ngôi chùa lớn lắm, thế nhưng, có đến thăm mới biết Định Quang chỉ là một ngôi chùa nhỏ đơn sơ ở vùng quê, được xây dựng vào năm 1950, đã bị bỏ hoang, không có chư tăng trong suốt một thời gian dài. Mãi cho đến năm 2005, khi sư thầy Thích Chơn Hữu được phân công về làm trụ trì. Hiện nay, khuôn viên chùa chỉ có phần chính điện, khu nhà nghỉ cho chư tăng, nhà bếp và hai phòng học nhỏ – một dùng cho việc dạy tiếng Anh, một dùng làm phòng tập thể dục thể hình cho thanh niên địa phương, và chùa cũng chỉ có hai sư thầy đang tu học.

Để có thể mở ra lớp học tiếng Anh trong chùa và duy trì suốt bốn năm qua, ngoài sự hỗ trợ không thường xuyên của các nhà hảo tâm, còn nhờ vào tiền bán ảnh của vị sư trẻ Thích Chơn Hữu. Bây giờ, nhiều người biết đến sư như một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp với sáu triển lãm ảnh cá nhân và nhiều bức ảnh được chọn đăng trên các báo. Những bức ảnh thiên nhiên, con người qua ống kính của nhà sư Chơn Hữu được nhiều người chọn mua và toàn bộ số tiền ấy, sư thầy dùng để tu sửa khuôn viên chùa, tạo dựng và duy trì những mô hình học tập có ý nghĩa.

Đã có một thời thanh niên nông nổi, khi giác ngộ và quy y cửa Phật, sư Chơn Hữu dành nhiều thời gian, tâm huyết để làm những việc thiện nguyện tại địa phương. Và chính câu chuyện đời nhiều lỗi lầm của mình là bài học rõ nhất về giá trị cuộc sống mà sư thầy dùng để minh chứng cho những em nhỏ đến với các lớp học tại chùa. Không phải là người thầy trực tiếp đứng lớp, nhưng những việc mà sư Chơn Hữu làm đã khiến nhiều người cảm phục. Và Định Quang, từ lâu đã là cái tên quen thuộc mà nhiều phụ huynh tin tưởng xin được gửi con em đến để được học văn hoá, rèn luyện thể lực và học làm người.

Bài và ảnh: Bích Uyên

images Trang trước images Đầu trang images In trang
Các tin khác