Thông tin hoạt động 25/07/2011

20 năm lo chữa bệnh cho chồng

Hôm chúng tôi đến nhà cô Liêm, chỉ đón năm người khách mà trong nhà không đủ ghế ngồi. Mời bữa cơm quê cô cũng phải mượn chén, mượn tô. Mưa xuống, nước mưa dột ướt khắp căn nhà lá nhỏ. Những vất vả ấy, cô nào dám kể cùng ai. Vẫn cười, vẫn hết lòng với từng em học sinh khi đến lớp. Để rồi mỗi khi trở về nhà, cô lại một mình đối diện với vô vàn khó khăn.


Bữa cơm đạm bạc của gia đình cô giáo Ngọc Liêm

Khi cây tùng ngã bệnh

Câu chuyện của gần 20 năm trước khiến cô và chồng cứ ướt nhoè nước mắt, những câu trả lời cứ vậy mà ngắt quãng, nghẹn ngào. Mọi người theo dõi buổi ghi hình cũng lặng lẽ để cảm xúc tuôn trào khi nghe cô kể về những tháng ngày đã qua.

… Năm 1992, cô Huỳnh Thị Ngọc Liêm, giáo viên trường mẫu giáo Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre phát hiện chồng mình có một khối u nơi tuỷ sống. Đó là một dạng u lành tính nhưng ngày đó đồng lương còn quá khiêm tốn, không kiếm đủ tiền để làm phẫu thuật, gia đình hai bên lại quá khó khăn, cô đành để chồng sống chung với khối u mỗi ngày mỗi lớn dần thêm ấy. Đến năm 2006, khi khối u phát triển quá lớn, chèn ép các dây thần kinh và gây ra nhiều biến chứng, buộc phải mổ cấp cứu, đó cũng là lúc những khó khăn chồng lên với khó khăn khi cô phải vay mượn tiền bạc để lo cho sức khoẻ của chồng. Năm đó, anh Nguyễn Văn Ri, chồng cô, đồng thời phải tiến hành thêm hai lần đại phẫu khác bằng những đồng tiền vay mượn. Hoạ vô đơn chí, cũng trong thời gian đó, người con trai duy nhất của cô Liêm bị tai nạn giao thông vỡ xương gò má, cũng phải làm phẫu thuật. Gia cảnh của cô Liêm vì thế không thể nào vực lại nổi khi cô đã phải vay đến 90 triệu đồng từ các ngân hàng địa phương, chưa kể số tiền vay mượn từ đồng nghiệp và người thân.

Từ đó đến nay, người đàn ông trụ cột gia đình cô Liêm sức cứ cạn dần, cạn dần. Những biến chứng cũng không ngừng bộc phát. Giờ đây, chỉ loay hoay trong nhà mà ông đã ngất xỉu mấy phen. Hai năm rồi, ông phải mang một túi thông tiểu bên người, phải tự mình thay ống dẫn tiểu vì không còn tiền đến nhờ bác sĩ ở địa phương thay giúp nữa. Chi phí cho một ca phẫu thuật tái tạo bàng quang để được tiểu tiện bình thường, hai năm trước, bác sĩ nói mất khoảng gần 30 triệu. Đó là số tiền không lớn với nhiều người nhưng lại là một con số mà hai vợ chồng cô giáo Liêm không còn dám nghĩ tới. Đó cũng là lý do để các biến chứng khác tìm đến, kéo sức khoẻ ông Ri dần cạn kiệt. Thận, gan, huyết áp rồi tim của ông đều có vấn đề. Những hôm cô Liêm đi dạy vắng nhà, tự liệu sức mình không chịu nổi những cơn đau buốt từ cột sống, những khi mệt lả người vì huyết áp tăng cao, ông Ri lại ra trước cửa ngồi, để lỡ có ngất xỉu thì có người biết mà giúp đỡ.

Ví dầu nhà dột cột xiêu

Đã ngoài 50 tuổi, hiền lành, tốt bụng và hết lòng với công việc là những gì mà phụ huynh và đồng nghiệp nói về cô giáo miền quê có đôi bàn tay thô ráp và dáng người cục mịch. Hai mươi năm lo chữa bệnh cho chồng, nuôi con ăn học đã khiến gương mặt hiền lành của cô già trước tuổi. Việc kiếm tiền, đưa chồng đi làm phẫu thuật lần nữa luôn thôi thúc cô phải cố vượt qua. Không màng tới những thiếu thốn, nợ nần, những nhu cầu cho bản thân, mặc cho cửa nhà xiêu vẹo, cô Liêm tâm sự rằng, cô ráng dạy cho đến ngày về hưu, khi đó, cô sẽ lãnh tiền hưu trí một lần lo cho chồng đi phẫu thuật.

Ngày đó còn xa, không biết ông Ri có đủ sức chịu đựng hay không, bởi sức ông đã kém đi nhiều lắm. Mắt ông đỏ hoe khi bảo rằng bấy lâu nay bệnh tật triền miên ông chẳng thể sẻ chia cùng vợ những khó khăn. Ngày trước, dù bị tật nặng ở chân trái nhưng ông từng làm kế toán, lương tuy ít nhưng cũng đủ cùng cô nuôi con ăn học, cất một mái nhà che nắng che mưa. Từ ngày ông bệnh đến nay, căn nhà lá nhỏ nằm trên đường ra bến phà Cổ Chiên của ông cũng theo mưa theo nắng mà vẹo xiêu. Vách gỗ cũ mục, kèo cột cái còn cái mất. Chỉ cần một trận mưa là cả gia đình đã không còn chỗ ngủ. Mà tháng này, mưa gió lại liên miên…

Hỏi cô Liêm làm sao có thể chống chọi với nhiều khổ cực đến vậy, cô cười hiền bảo nhờ có hàng xóm, học trò và đồng nghiệp luôn ở bên cô. Những khuôn hình cuối về chân dung một nhà giáo nghèo luôn cố gắng vượt qua khó khăn là những món quà nhỏ mọi người chia sẻ cùng cô bằng tất cả tấm lòng như chén dĩa, ly tách... Mọi người mang tới khi biết cô thiếu cả những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày trong gia đình...

Bài và ảnh: Bích Uyên

images Trang trước images Đầu trang images In trang
Các tin khác