Thông tin hoạt động 31/08/2011

Nẻo đường nào sao cũng quá xa xôi...

“Khi ra trường, tôi đã nghĩ rằng mình sẽ ráng phụ cha mẹ nuôi các em ăn học. Các em trưởng thành, tôi sẽ đi học tiếp để nâng cao nghiệp vụ, nhưng bây giờ, dù là không mất tiền để ước mơ, tôi cũng không còn dám nghĩ đến điều đó nữa…” Đó là câu trả lời mà thầy giáo Bùi Phạm Vũ (giáo viên trường THPT Tân Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) dành cho câu hỏi: “Còn điều gì thầy ấp ủ mà vẫn chưa thực hiện?”

 


Hàng ngày, trong căn phòng tập thể này, hai anh em thầy Vũ nương tựa vào nhau

Sinh năm 1978, còn quá trẻ để nói lời chia biệt, còn quá trẻ để khép lại những ước mơ, nhưng, định mệnh là một thứ gì đó vô hình mà ngay cả khoa học cũng khó tháo gỡ.

Chứng suy thận mãn và chuyện tình buồn

Tốt nghiệp đại học Sư phạm TP.HCM, đảm nhận giảng dạy bộ môn toán tại trường THPT Tân Bình đến nay đã gần mười năm cùng với một mối tình dang dở, đủ để trái tim người thầy ấy chất chứa những ray rứt nặng sâu…

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Quảng Ngãi, tuổi thơ của thầy Vũ là những năm tháng khó nhọc để đến trường. Cha mẹ khuyên chỉ có học mới thoát cảnh nghèo khổ. Và cũng chỉ có cách đó để những người con miền Trung quên đi khó nhọc để quyết tâm ăn học thành tài. Ra trường, nhận công tác với biết bao hăm hở, giúp được mẹ nuôi những đứa em ăn học nên người, được đi học tiếp để nâng cao nghiệp vụ mới vừa khơi dậy. Thế nhưng, năm 2005, sau những lần có dấu hiệu suy giảm sức khoẻ, thầy Vũ đón nhận tin mình mắc chứng suy thận mãn. Vậy là bắt đầu những tháng ngày vào ra bệnh viện với kiệt quệ sức khoẻ, kiệt quệ khả năng chi trả. Đến nay, di chứng đã chuyển sang khớp và tim, đã vắt kiệt sức của người thầy chỉ mới ngoài 30 tuổi. Bước đi thôi đã khiến thầy đớn đau, khó nhọc; vận động nặng một chút thôi đã khiến thầy phải nhập viện, cấp cứu bao phen. Mối tình đẹp với người đồng nghiệp cũng vì căn bệnh dữ ấy mà dang dở. Thầy đã khuyên bạn gái của mình đi tìm hạnh phúc khác.

Giờ đây, trong khu nhà tập thể dành cho giáo viên, chỉ có thầy và cô em gái. Đó là đứa em thầy có công nuôi ăn học. Thương anh đau ốm một mình, cô đã xin chuyển về Bình Dương công tác để tiện chăm sóc anh. Những ngày gần đây, sức khoẻ thầy Vũ giảm đi nhiều, những lần phải nhập viện cấp cứu cũng thường hơn. Năm học tới, thầy sẽ không còn đủ sức để đứng trên bục giảng…

Đơn độc bóng thầy

 


Thầy Bùi Phạm Vũ

Không có mẹ cha bên cạnh, những khi em gái đi làm, mọi sinh hoạt của thầy Vũ phải cậy nhờ vào những người đồng nghiệp ở cùng khu tập thể. Đó cũng là nguồn động viên để thầy có thêm nghị lực chống chọi với tử thần, để còn đứng trên bục giảng trong suốt sáu năm qua. Sáu năm dài, nếu không có bạn bè, đồng nghiệp, có lẽ thầy đã phải buông xuôi với những chi phí điều trị đắt tiền. Đôi lần, thầy đã muốn trở về quê nhưng ở đó, sẽ rất khó để tìm một nơi chịu tiếp nhận người đau ốm như thầy. Ở đó, điều kiện để điều trị cũng còn rất khó khăn. Vậy là thầy lại tiếp tục ở lại đây giữa tình thương của những người đồng nghiệp.

Thật xót xa khi phải chứng kiến những đớn đau, đơn độc mà thầy đón nhận. Đó là những hộp cơm được em gái mua cho trước giờ đi làm, thầy gắng gượng ăn để có sức mà vào bệnh viện. Một mình, không có tiền, thầy phải tự vận động, tự làm mọi thứ trong biết bao đớn đau thể xác. Những hôm đồng nghiệp bận lên lớp, thầy phải tự mình chạy xe gần 30 cây số, với không biết mấy lần phải dừng lại vì quá mệt, để đến bệnh viện, chờ được chạy thận. Đồng nghiệp của thầy Vũ cũng kể rằng họ không nhớ được bao lần phải đưa thầy đi cấp cứu, phải bỏ dạy giữa chừng để chạy đến bên thầy vì hay tin bạn kiệt sức giữa đường. Cũng không nhớ biết bao lần thầy chạy nhờ đồng nghiệp để có đủ số tiền cho một lần chạy thận!

Con đường nắng những ngày đầu năm học, thầy Vũ vẫn một mình, đơn độc chống chọi với đớn đau. Cái ước muốn được đứng trên bục giảng của thầy vẫn còn mãnh liệt mà sao đường về trường, đường vào bệnh viện, đường về lại quê nhà, nẻo nào cũng quá xa xôi…

Bài và ảnh: Bích Uyên

images Trang trước images Đầu trang images In trang
Các tin khác